Tất cả các công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản sẽ không được thu phí môi giới mà chỉ được phép thu phí dịch vụ .

Hiện nay , thị trường xuất khẩu lao động tại Nhật Bản là một trong những thị trường lao động thu hút nhiều lao động có tay nghề tốt đi làm việc . Lợi dụng lòng tin và nhu cầu đi lớn của người lao động các cò môi giới hay nhiều công ty thu vượt phí người lao động nhưng có nhiều trường hợp người lao động đóng tiền nhưng chưa được đi.

Theo đó, mức phí dịch vụ sẽ không quá 3.600 USD/người với hợp đồng ba năm hoặc không quá 1.200 USD/người với hợp đồng một năm và chỉ được thu từ người lao động không quá 5,9 triệu đồng/khóa tiếng Nhật với thời lượng 520 tiết/khóa học.

quy-trinh-xuat-khau-lao-dong-nhat-ban

Đây là nội dung dự thảo đề án chấn chỉnh XKLĐ NHẬT BẢN do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến và hoàn thiện.

Thị trường Nhật Bản đang ngày càng thu hút lao động Việt Nam với mức thu nhập cao, các chế độ tốt. Số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản tăng đều qua các năm và đặc biệt tăng nhanh trong năm 2014 (với 19.766 thực tập sinh, tăng gấp đôi so với năm 2013) và chỉ riêng 10 tháng năm nay Việt Nam đã đưa được 21.870 thực tập sinh sang Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đã xuất hiện một số hiện tượng ảnh hưởng không tốt đến việc mở rộng thị trường Nhật Bản.

Ngày càng nhiều thực tập sinh bị thu chi phí xuất khẩu lao động vượt quá mức quy định. Thậm chí nhiều người lao động đã đăng ký và đã chịu các chi phí chuẩn bị nhưng không được đi. Nhiều thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản đã ảnh hưởng tới uy tín của thực tập sinh Việt Nam tại thị trường này. Để lành mạnh hóa thị trường và đảm bảo giữa ổn định, nâng cao chất lượng thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đề án chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi thực tập tại Nhật Bản.

Về các khoản chi phí, dự thảo đề xuất quy định doanh nghiệp không được thu phí môi giới mà chỉ được thu phí dịch vụ cùng với chi phí đào tạo tiếng. Doanh nghiệp chỉ được thu phí dịch vụ sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật cấp tư cách lưu trú.

Theo dự thảo, các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật phải đáp ứng các yêu cầu: không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong vòng một năm tính từ thời điểm đề nghị đưa thực tập sinh sang Nhật. Đồng thời không có vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động mà không giải quyết dứt điểm, để khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng dư luận. Dự thảo cũng quy định, doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ đưa thực tập sinh sang Nhật cho không quá ba cơ sở (chi nhánh, trung tâm). Các cơ sở này chỉ được tổ chức tuyển chọn và đào tạo lao động tại một địa điểm tại địa phương. Đồng thời doanh nghiệp chỉ được tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép thực hiện.

Về phía Cục Quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, bên cạnh hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ cập nhật thường xuyên các thông tin chi tiết về chi phí, thời gian làm việc, hợp đồng làm việc, tiến độ đưa thực tập sinh sang Nhật của các doanh nghiệp và đưa lên website của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước để người lao động biết để nhằm tránh bị “cò” lừa gạt

Theo: Báo nông nghiệp