Những người đã đi xuất khẩu lao động về nước luôn được đánh giá cao bởi kinh nghiệm tay nghề, trình độ ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Tuy nhiên , dù có rất nhiều người đã về nước nhiều năm vẫn gặp khó khăn trong tái hòa nhập với thị trường lao động trong nước , gây một sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực .
Khó tìm được việc làm phù hợp
Hội chợ việc làm dành cho lao động xuất khẩu về nước mới đây tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh có sự tham gia tuyển dụng của 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút hàng trăm lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm.
Góp mặt từ sáng sớm để đăng ký tham gia phỏng vấn, anh Nguyễn Văn Lợi (phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh) chia sẻ anh gặp khá nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm sau 7 năm đi XKLĐ tại Đài Loan. “Về nước hơn một năm nay nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc làm để ổn định cuộc sống. Mong muốn của tôi là được làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ đã tích lũy nhưng để tìm được một công việc phù hợp với khả năng và có mức thu nhập khá không phải dễ”.
Cùng chung hoàn cảnh là anh Nguyễn Văn Thành (phườngVũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) từng đi XKLĐ 5 năm tại Hàn Quốc. Trong thời gian hơn 4 năm sau khi về nước, anh Thành chuyển việc 4 lần: “Chuyên ngành của tôi tại Hàn Quốc là điều khiển thiết bị nâng, ở Việt Nam rất khó tìm được việc tương tự. Những công việc tôi từng làm đều không phát huy được những kinh nghiệm đã có, mức thu nhập lại tương đối thấp nên tôi vẫn muốn tìm được việc làm có thu nhập cao hơn”.
Cũng theo anh Thành, nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng đều có tâm lý muốn ở lại Hàn Quốc làm việc tiếp bởi chưa biết khi trở về nước có tìm kiếm được việc làm phù hợp hay không. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Nếu các cơ quan chức năng chỉ đưa ra hình thức xử phạt mà không xây dựng được một chương trình tuyển dụng, tạo việc làm khi người lao động về nước thì khó giảm được số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc nói riêng và các thị trường XKLĐ nói chung.
Tăng cường kết nối
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm Bắc Ninh đưa khoảng 1500 lao động đi XKLĐ, tương đương có khoảng gần gần 1.000 lao động hồi hương mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Tuy nhiên không ít lao động trở về không tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng vốn tích lũy vơi cạn dần, đứng trước nguy cơ rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Một trong những nguyên nhân khiến lao động khó tìm được việc làm là do đã quen với thu nhập cao khi lao động tại nước ngoài trong khi thị trường trong nước có mức thu nhập khá chênh lệch. Nhiều lao động tuy làm việc ở nước ngoài nhiều năm nhưng vốn ngoại ngữ khá hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặt khác, hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể cho người lao động khi trở về cũng như chính sách tận dụng nguồn vốn mà họ tích lũy được để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Trên thực tế cơ hội việc làm dành cho người đi XKLĐ về nước vẫn rất lớn vì các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng những người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Quan trọng là làm sao tăng cường công tác kết nối. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đều tích cực phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức từ 3 đến 4 hội chợ việc làm dành riêng cho LĐXK về nước thu hút sự tham gia của rất đông doanh nghiệp và người lao động. Đây là cầu nối hữu ích giúp người lao động và nhà tuyển dụng gặp gỡ, tìm được tiếng nói chung”.
Bên cạnh đó, bản thân người lao động trong quá trình làm việc tại nước ngoài phải có ý thức học hỏi, tích lũy thêm về ngoại ngữ, kỹ năng để có thể hòa nhập nhanh chóng với thị trường lao động sau khi trở về quê hương. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần tích cực vào cuộc trong việc quản lý, hỗ trợ pháp lý, tư vấn việc làm, tổ chức kinh doanh… giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Việc làm này là vô cùng cần thiết vừa tận dụng được nguồn lao động giàu kinh nghiệm, vừa góp phần giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài đang nhức nhối hiện nay.
Theo : Báo Bắc Ninh